Thiet ke cuoc doi logo

Nghi ngờ bản thân khiến bạn đánh mất điều gì trong cuộc sống?

Trong hành trình đạt được ước mơ, sẽ có những lúc bạn cảm thấy nghi ngờ bản thân mình. Đôi khi, bạn sẽ tự hỏi liệu bản thân có đủ tài năng và năng lực để thực hiện mục tiêu đã đặt ra không? Liệu mình có đang đi đúng hướng? Trong những khoảnh khắc đó, bạn giống như đang tham gia vào một cuộc chiến tâm lý, đòi hỏi bạn phải tìm kiếm sự tự tin và khám phá sâu bên trong con người mình. Tuy nghi ngờ bản thân có thể là một thách thức, nhưng nó cũng là cơ hội để bạn phát triển kiến thức, kỹ năng và tạo ra những bước tiến mới trong cuộc đời.

Trong bài viết này, Thiết Kế Cuộc Đời sẽ giải đáp lý do bạn luôn tự hoài nghi chính mình và gợi ý 5 cách để bạn ngừng nghi ngờ năng lực bản thân. 

Điều gì khiến bạn nghi ngờ bản thân?

Xã hội hiện đại đang đặt lên đôi vai của chúng ta quá nhiều áp lực về sự thành công trong cuộc sống. 

Đó là áp lực đồng trang lứa, khi bạn bè một tháng kiếm được hàng chục triệu. Họ có thể đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì họ muốn. Họ sống trong một căn hộ tiện nghi, mặc những bộ quần áo sang chảnh, ăn những món ăn đắt tiền. Nhìn lại bản thân, bạn tự hỏi: “Tại sao ở độ tuổi này, người ta đạt được những thành tựu lớn lao như vậy,  còn bản thân mình thì chẳng có gì?”. Bắt đầu từ thời khắc đó, bạn sẽ không ngừng nghi ngờ năng lực của bản thân.

Đó là áp lực từ gia đình, khi mà bạn nhận ra bố mẹ ngày càng lớn tuổi, sức khỏe ngày một yếu đi. Bạn cần phải nhanh chóng trở nên vững vàng để chăm lo, xây cho bố mẹ ngôi nhà khang trang, đưa gia đình ngắm nhìn cảnh đẹp,… Bạn tự nhủ rằng tốc độ thành công của mình cần phải nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ, nếu không mình chính là một đứa con bất hiếu. Để rồi thời điểm bạn nhận thấy mình vẫn chưa làm được gì cho bố mẹ, bạn quay trở về tự dày vò bản thân của mình, bạn chìm trong cảm giác tội lỗi, tự trách và không thể ngừng nghi ngờ bản thân.

điều gì khiến bạn nghi ngờ bản thân

Cỏ thể bạn nghĩ chính những con người, sự việc trong cuộc sống là thứ khiến bạn nghi ngờ năng lực bản thân. Nhưng nếu suy nghĩ sâu sắc hơn, bạn sẽ nhận thấy rằng, bạn và tâm trí của bạn mới chính là nguyên nhân gốc rễ của điều này.  

Bạn đặt ra cho bản thân rất nhiều mục tiêu và kỳ vọng, nhưng tâm trí lại nói với bạn rằng “Bạn không thể làm được điều đó. Bạn không có đủ khả năng và trình độ để đạt được mục tiêu đã đặt ra.”. Chính sự nghi ngờ từ tâm trí đã “hạ gục” bạn, khiến bạn không ngừng dằn vặt bản thân rằng mình không đủ giỏi, không đủ thành công như người khác. Bạn hãy nhớ rằng cánh cửa duy nhất “khóa chặt” năng lực của bạn hiện diện ngay trong tâm trí bạn.

Điều gì xảy ra khi bạn nghi ngờ bản thân?

Nghi ngờ bản thân giống như một đám mây đen nặng nề che khuất ánh sáng mặt trời, phủ bóng lên toàn bộ niềm tin và hy vọng của bạn. 

điều gì xảy ra khi bạn nghi ngờ bản thân

Trạng thái tinh thần tồi tệ

Khi bạn thường xuyên tự đặt ra các câu hỏi về khả năng và giá trị của mình, bạn sẽ luôn cảm giác bất an, lo âu, căng thẳng. Bạn dần đánh mất đi niềm tin và sự vui vẻ với tất cả mọi việc trong cuộc sống. Và điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đó là bạn sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm. 

Tạo ra mô hình tư duy tiêu cực

Tư duy tiêu cực là một trong những hậu quả nghiêm trọng của việc nghi ngờ bản thân. Bởi vì bạn thường xuyên cảm thấy lo lắng và phê phán những suy nghĩ, hành động của mình nên dần dần hình thành thói quen nhìn mọi thứ từ góc độ tiêu cực. Thậm chí, bạn còn có thể chủ động tìm kiếm các bằng chứng, các trường hợp thất bại để chứng minh và củng cố suy nghĩ tiêu cực của mình. Tư duy tiêu cực sẽ từng bước làm suy giảm ý chí của bạn, khiến cho cuộc sống của bạn trở nên nhàm chán, vô nghĩa. 

Bỏ lỡ cơ hội

Việc liên tục nghi ngờ bản thân có thể làm giảm lòng tự trọng và sự tự tin của bạn. Chính vì thế, bạn càng sợ thất bại hơn bất cứ ai. Bạn tránh xa những cơ hội phát triển và thử thách mà bạn cảm thấy bản thân không thể xoay xở được. Ngoài ra, bởi vì cảm giác lòng tự trọng thấp, bạn có thể cảm thấy mình không xứng đáng với thành công và hạnh phúc.

Khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ 

Khi bạn luôn ở trong trạng thái nghi ngờ bản thân, bạn thường có xu hướng tự ti, tự cô lập bản thân và tránh xa mọi hoạt động xã hội vì lo sợ người khác sẽ đánh giá năng lực của mình. Những suy nghĩ nghi ngờ về chính mình không chỉ khiến bạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn bè, đối tác mới, mà còn tạo ra những xung đột và bất hòa trong các mối quan hệ hiện tại. 

Mất định hướng

Khi bạn nghi ngờ về năng lực của bản thân, bạn sẽ không thể xác định mình giỏi điều gì, muốn làm gì. Ngoài ra, nghi ngờ bản thân có thể khiến bạn luôn ở trong trạng thái lo lắng, hoài nghi những phán đoán, quyết định bản thân đưa ra. Chính bởi vậy, bạn có thể dễ dàng bị mất định hướng trong công việc, và việc xác định được nghề nghiệp phù hợp càng trở nên khó khăn hơn.

Dẫu vậy, đôi khi nghi ngờ bản thân là điều cần thiết. Bởi vì sự nghi ngờ sẽ giúp bạn không trở nên kiêu ngạo và tự tin một cách mù quáng với những điều mình làm. Bạn sẽ suy nghĩ thật kỹ trước khi làm, nhờ đó mà tránh được những sai lầm không đáng có. Ngoài ra, nghi ngờ là một kết quả tất yếu khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn và làm những công việc có ý nghĩa, sáng tạo. 

Cảm giác nghi ngờ bản thân sẽ không chỉ xuất hiện một lần, mà bạn sẽ trải qua cảm giác này nhiều lần trong đời. Tuy nhiên, tùy vào thái độ, cách nhìn nhận và ý chí của bạn trước những suy nghĩ nghi ngờ bản thân mà nó sẽ tác động tiêu cực hoặc tích cực tới cuộc sống của bạn. 

5 điều bạn cần làm để ngừng nghi ngờ bản thân

Những suy nghĩ nghi ngờ bản thân có thể hủy hoại tâm trí và tương lai của bạn nếu bạn không biết cách đối diện và vượt qua nó. Dưới đây là 5 điều bạn cần làm khi cảm thấy thất vọng và nghi ngờ năng lực của chính mình.

Hãy dừng việc so sánh với người khác 

cách 1 để ngừng nghi ngờ bản thân

Với sự “xâm chiếm” của mạng xã hội, chúng ta rất dễ dàng rơi vào tình trạng so sánh bản thân với người khác. Chỉ cần vài cái lướt tay, chạm nhẹ, bạn hoàn toàn có thể biết những người xung quanh mình đang làm gì, cuộc sống của họ thành công ra sao. Nhưng bạn biết không, những thông tin bạn nhận được đều chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Có lẽ họ cũng đã và đang gặp những khó khăn của riêng mình, chỉ là họ không muốn người khác biết bản thân đã trải qua điều gì để đạt được thành công ngày hôm nay. 

Ở ngoài kia sẽ luôn luôn có những người tài giỏi, hạnh phúc, thông minh hơn và thành công hơn bạn, nên một khi đã so sánh thì bạn sẽ không thể ngừng nghi ngờ bản thân mình. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng mỗi người đều có điểm xuất phát, hoàn cảnh sống và những cơ hội khác nhau, do đó mà mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Chính vì thế, ngay bây giờ, bạn cần dừng so sánh bản thân với người khác. 

Bạn sẽ cần một khoảng thời gian dài để từ bỏ thói quen so sánh và lúc đầu sẽ có chút khó khăn, nhưng hãy kiên trì bạn nhé! Trong quá trình này, đôi lúc bạn sẽ không tự chủ được mà tìm kiếm thông tin về cuộc sống của người xung quanh. Những lúc như vậy, bạn hãy khiến cho bản thân mình bận rộn bằng cách tập thể dục, đọc sách, nghe nhạc, làm việc,… để những suy nghĩ “tò mò” đó biến mất. 

Tập trung vào mục tiêu 

cách 2 để ngừng nghi ngờ bản thân

Trước tiên, bạn hãy đặt ra những mục tiêu mà bạn cảm thấy mình có khả năng đạt được. Tiếp đến, bạn cần liên tục nhắc nhở bản thân lý do mình bắt đầu và mục tiêu mà bạn hướng đến. Bởi vì, đôi khi con đường gặt hái thành công quá dài có thể khiến bạn cảm thấy nghi ngờ bản thân. Bạn sẽ thắc mắc rằng tại sao mình đi mãi mà không đến đích, và liệu bản thân có đang đi đúng hướng không. Những lúc như thế, bạn hãy nhìn lại xem bản thân đã đi được bao xa, đã nỗ lực vượt qua những khó khăn như nào và động viên bản thân kiên trì đi tiếp, bởi lẽ những điều tuyệt vời thì luôn cần có thời gian.

Ghi nhận những kết quả nhỏ

cách 3 để ngừng nghi ngờ bản thân

Chúng ta thường chỉ ăn mừng những thành tựu lớn lao, còn những kết quả nhỏ lại bị cho là điều hiển nhiên và bỏ qua. Nhưng thực tế, bạn cũng đã phải trải qua hình trình nỗ lực mới đạt được những thành công nhỏ đó. Vậy nên, chúng xứng đáng được bạn ghi nhận. 

Hơn nữa, bằng cách “ăn mừng” những thành tựu nho nhỏ như hoàn thành danh sách việc cần làm trong một ngày, viết bài nhanh hơn hôm qua,… bạn sẽ củng cố thêm niềm tin vào bản thân, từng bước đẩy lùi sự nghi ngờ về mình. 

Không tiếp nhận thông tin tiêu cực 

cách 4 để ngừng nghi ngờ bản thân

Não bộ của con người có khuynh hướng tập trung nhiều vào các khía cạnh tiêu cực của vấn đề. Bạn sẽ tập trung vào những lời châm chọc, những điều bản thân chưa làm tốt hơn là những lời khen ngợi và những việc bản thân đã làm tốt. 

Chính bởi vậy, khi đang rơi vào trạng thái nghi ngờ bản thân, bạn cần tránh xa các nguồn thông tin tiêu cực. Để bảo vệ bạn khỏi những suy nghĩ “độc hại” cho tinh thần, bạn không nên ở cùng những người hay than thở về cuộc đời, hay chê bai bạn hoặc đọc những bài báo có chứa thông tin tiêu cực, nghe những bài hát có nội dung đau buồn. Thay vào đó, bạn có thể lên youtube xem các video truyền động lực hoặc nghe podcast chữa lành. Và sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể tìm cho mình một người lắng nghe hoặc một người “dẫn đường” để họ lắng nghe và cho bạn lời khuyên mỗi khi bạn gặp khó khăn trong việc tin tưởng chính mình. 

Đối diện với điểm yếu

cách 5 để ngừng nghi ngờ bản thân

Nghi ngờ bản thân thường bắt nguồn từ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Do đó, điều cần thiết là bạn phải biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình. Khi bạn đã hiểu ưu và nhược điểm của mình. bạn sẽ có thể đưa ra các quyết định sáng suốt về việc bạn có thể và không thể làm. Nhờ đó, bạn sẽ tránh được những sai lầm, thất bại và giúp bạn giảm suy nghĩ nghi ngờ bản thân và cảm thấy tự tin hơn.

Hãy nhớ rằng, không một ai sinh ra đã hoàn hảo mà luôn tồn tại điểm mạnh, điểm yếu. Chỉ khi bạn dũng cảm đối diện với những khuyết điểm của mình, bạn mới có cơ hội học hỏi, thay đổi đổi để trở nên tài giỏi và xuất chúng hơn. Không chỉ vậy, nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là một quá trình liên tục. Bạn cần thường xuyên dành thời gian tự suy ngẫm hoặc nhờ những người thân thiết nhận xét về bản thân. 

>>> Xem thêm: Số ưu thế trong thần số học – Cách xác định điểm mạnh, điểm yếu

Tổng kết

Có một câu ngạn ngữ cổ của châu Phi nói rằng “Khi kẻ thù bên trong không tồn tại, kẻ thù bên ngoài chẳng thể làm hại ta”. Khi bạn khước từ mọi nghi ngờ trong tâm trí thì không có một tác nhân bên ngoài nào có thể khiến bạn nghi ngờ chính mình. Vậy nên, hãy tin tưởng vào bản thân và rèn luyện bản thân mỗi ngày, bởi vì chỉ có bạn mới có thể tạo ra số phận của mình. Và nếu bạn cần sự giúp đỡ từ chuyên gia để thấu hiểu bản thân và thoát khỏi những suy nghĩ nghi ngờ năng lực của mình, Thiết Kế Cuộc Đời sẽ luôn đồng hành cùng bạn!

Mục lục

ĐỌC THÊM

Bài viết liên quan