Thiet ke cuoc doi logo

Kỹ năng quản lý bản thân – Chìa khóa tiến tới thành công

Quản lý bản thân là một trong những kỹ năng quan trọng và nền tảng để một người có được thành công trong công việc và cuộc sống. Đây tưởng chừng như là một công việc dễ dàng nhưng thực chất lại không hề đơn giản. Việc quản trị được bản thân có thể đem lại lợi ích cho cả cá nhân và cộng đồng. Trong bài viết này, hãy cùng Thiết Kế Cuộc Đời tìm hiểu bí quyết để rèn luyện cho mình kỹ năng quản lý bản thân nhé!

Kỹ năng quản lý bản thân là gì?

Mỗi người thành công đều sẽ có một số kỹ năng nổi bật, then chốt, trở thành kim chỉ nam định hướng cho mọi hoạt động của mình. Tuy nhiên, quản trị bản thân (quản lý bản thân) là điều cần thiết và yêu cầu tối thiểu để có thể duy trì phong độ và phát huy các kỹ năng đó.

Quản lý bản thân là khả năng kiểm soát chính mình trên 3 khía cạnh: cảm xúc, hành động và thời gian, nhằm đạt được các mục tiêu cá nhân trong cuộc sống và sự nghiệp. Mục đích chính của kỹ năng này là giúp hoạch định được xuất phát điểm, mục tiêu và điều cần làm, từ đó đảm bảo cá nhân nỗ lực và kiên trì với những gì đã đề ra.

Kỹ năng quản lý bản thân là gì
Kỹ năng quản lý bản thân là gì

Đây là một kỹ năng bất kỳ ai cũng nên học tập và rèn luyện, dù còn là nhân viên hay ở cấp quản lý. Nó giúp bạn hoàn thiện bản thân, cũng như mở ra nhiều cơ hội mới trên con đường thăng tiến sự nghiệp.

Những lợi ích mà quản lý bản thân mang lại

Để hoàn thiện bản thân, con người phải dành ra thời gian để phát triển năng lực và lựa chọn những hoạt động phù hợp để phát huy khả năng của mình. Trong khi đó, quỹ thời gian và sức khỏe của chúng ta là có giới hạn. Dưới đây là những lợi ích của việc quản trị bản thân và cũng là trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta nên học hỏi kỹ năng này:

Tăng hiệu quả làm việc

Việc quản lý bản thân giúp xác định mức độ quan trọng của công việc, từ đó phân bổ thời gian và kế hoạch hành động hợp lý. Khi biết cách hoạch định cụ thể thời gian cho từng đầu việc, chúng ta có thể đẩy sự tập trung lên cao nhất, hoàn thành công việc với hiệu suất và hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, người có lịch trình cụ thể cho mọi công việc sẽ không cần tốn thời gian nhớ ra các đầu việc mình cần hoàn thành nhiều lần, khiến tiến độ bị trì hoãn, trễ nải. Duy trì kế hoạch cụ thể một cách lâu dài sẽ tạo dựng cho bạn phong cách làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc và kỷ luật, đồng thời thúc đẩy cả những người xung quanh. Không chỉ vậy, khi công việc được hoàn thành hiệu quả, bạn sẽ nhận được sự tin tưởng từ mọi người và được giao phó những đầu việc quan trọng và cốt lõi hơn.

Phát triển bản thân

Để có thể phát triển bản thân, con người cần tạo điều kiện cho chính mình được tiếp xúc và học hỏi, từ đó nâng cao khả năng và biết thêm những điều mới. Tuy nhiên, đây là một quá trình dài và đòi hỏi sự kiên trì của cá nhân, liên tục hành động và dành nhiều thời gian.

Quản lý bản thân là kỹ năng bao trùm trên cả 3 phương diện: hành động, cảm xúc và sắp xếp thời gian. Do vậy, đây là kỹ năng nền tảng để chúng ta có thể tiến tới việc hoàn thiện chính mình qua từng ngày, trong đó:

  • Hành động: Đưa ra những quyết định đúng đắn để áp dụng những kiến thức học được vào thực tế, học đi đôi với hành.
  • Cảm xúc: Duy trì sự tích cực, mong muốn học hỏi, nỗ lực theo đuổi đến cùng mục tiêu mình đặt ra.
  • Thời gian: Lên kế hoạch và thời gian hợp lý để có thể vừa đạt được mục tiêu, vừa không bỏ lỡ công việc quan trọng khác.

Cơ hội về sự nghiệp sẽ đến với bạn nhiều hơn khi bản thân dần trở nên cải thiện. Khi đó, kỹ năng quản lý bản thân sẽ giúp bạn xác định được giá trị và mong muốn của bản thân, từ đó nắm bắt các cơ hội quý giá, tiến tới thành công trong tương lai.

Cải thiện đời sống

Khi có nhiều cơ hội hơn để phát triển sự nghiệp, cuộc sống của bạn cũng được cải thiện hơn về mặt vật chất và các mối quan hệ xung quanh. Ở một vị trí mới cao hơn, bạn có thể gặp được nhiều người tài giỏi, để từ đó tiếp tục phấn đấu tiến lên trong tương lai.

Cùng với đó, biết cách quản lý bản thân sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi, tránh tình trạng bị quá tải và ảnh hưởng tới sức khỏe vật chất.

Những lợi ích quản lý bản thân mang lại
Những lợi ích quản lý bản thân mang lại

Làm thế nào để bắt đầu quản lý bản thân?

Các bước bắt đầu quản lý bản thân
Các bước bắt đầu quản lý bản thân

Tìm hiểu bản thân và các thế mạnh của mình

Tìm hiểu bản thân trước khi bắt đầu quản lý nó là bước đầu vô cùng quan trọng. Việc áp dụng y nguyên “công thức” của người khác mà không thay đổi các yếu tố riêng phù hợp với bản thân sẽ làm lãng phí thời gian mà không thu lại được bất kỳ kết quả nào.

Khi tìm hiểu sâu bản thân, chúng ta có thể biết khung tính cách của mình là gì, xu hướng hành xử, phản ứng trước các tình huống ra sao, từ đó lường trước vấn đề và đưa ra các phương án để cải thiện chính mình. Biết được thế mạnh và điểm yếu cũng sẽ giúp bạn xác định được điều gì cần thay đổi ở bản thân, hay tận dụng điều gì trong sự nghiệp và cuộc sống.

Với bước đầu tiên, bạn có thể sử dụng Thần số học như một công cụ hỗ trợ. Bộ môn này thông qua nguyên tắc phân tích các con số thần số học để giúp chúng ta định hình được tính cách nội tại, năng lực nổi trội của bản thân. Ngoài ra, Thần số học cũng đưa ra các gợi ý về định hướng giáo dục và định hướng nghề nghiệp phù hợp thông qua bộ chỉ số của từng người.

Nếu chưa biết bộ chỉ số của mình, bạn có thể tra cứu để nhận được các phân tích, hỗ trợ quá trình tìm hiểu và định hướng bản thân nhé!

Xác định mục tiêu

Để quản lý bản thân tốt hơn, bạn cần biết rõ mục tiêu của mình. Nếu là một người cả thèm chóng chán, dễ thay đổi, thay vì để mục tiêu dài hạn, hãy bắt đầu bằng những mục tiêu ngắn hạn. Khi đạt được chúng, bạn sẽ có ý chí và động lực để tiếp tục tiến xa hơn.

Các mục tiêu cần phải xác định một cách rõ ràng, cụ thể, thực tế, có thể đạt được trong một khoảng thời gian nhất định (tùy thuộc vào khả năng của bản thân) và có thể đo lường được. Tuy nhiên, bạn cũng không nên xẻ quá nhỏ danh sách mục tiêu, bởi điều này có thể tạo ra nỗ lực ảo, cảm giác làm được nhiều thứ nhưng thực chất không được bao nhiêu.

Lập kế hoạch và quản lý hành động, cảm xúc

Sau khi xác định được mục tiêu, hãy lập ra một kế hoạch cho riêng mình. Việc tạo lập kế hoạch sẽ giúp bạn hoạch định và tổng kết những việc cần làm để đạt được mục tiêu, sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành công việc đúng hạn và hiệu quả. Khi thực hiện bước này, hãy sắp xếp các công việc theo thứ tự ưu tiên (mức độ quan trọng, mức độ gấp,…) và đặt thời hạn cho mỗi nhiệm vụ.

Trong quá trình thực thi kế hoạch, chúng ta cũng cần biết cách quản lý hành động và cảm xúc của mình. Hãy tập trung tối đa vào công việc sau đó dành ra một khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi quay lại, thay vì vừa làm vừa nghỉ. Cùng với đó, hãy cố gắng quản lý cảm xúc và tạo động lực để tránh rơi vào tình trạng căng thẳng, stress làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc.

Đánh giá kết quả

Việc tổng kết và đánh giá những gì đã làm sẽ giúp chúng ta nhìn nhận lại toàn bộ quá trình trên: điều gì đã làm được và chưa làm được, cần thay đổi ở đâu để phù hợp hơn với cá nhân. Kết quả để đánh giá sẽ dựa trên các yếu tố đo lường được mà bạn đã đề ra từ mục tiêu. Nếu không thể tự nhìn nhận kết quả và toàn bộ quá trình, việc bạn cần làm là thực hiện lại từ bước xác định mục tiêu rõ ràng và hợp lý với khả năng hơn.

Sau một thời gian quen dần với toàn bộ quá trình, việc quản lý bản thân sẽ trở thành thói quen và trở nên dễ dàng hơn. Cùng với đó, các kỹ năng xoay quanh kiểm soát bản thân cũng được rèn luyện và thành thạo hơn, ví dụ như:

  • Kỹ năng quản lý thời gian: Một ngày chỉ có 24 giờ, có được kỹ năng này, bạn sẽ biết cách sắp xếp và thực hiện khối lượng công việc khổng lồ mà không bị quá tải hay chậm thời hạn.
  • Kỹ năng kiểm soát cảm xúc: Kỹ năng này giúp chúng ta không để cảm xúc chi phối công việc cũng như các mối quan hệ trong sự nghiệp và cuộc sống. Đồng thời, sự căng thẳng trong công việc cũng sẽ được giảm tải, tránh rơi vào tình trạng rối loạn vì lượng công việc dày đặc.
  • Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: Một số dự án đòi hỏi chúng ta phải làm việc theo nhóm do số lượng đầu việc và độ lớn của dự án. Thay vì ôm đồm toàn bộ công việc, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm sẽ giúp bạn hoàn thiện được tốt phần mình mà không làm ảnh hưởng tới tiến độ hay chất lượng dự án chung.
  • Kỹ năng đưa ra quyết định, kỹ năng quản lý và chi tiêu, kỹ năng thích ứng với thay đổi,…
Các kỹ năng quản lý bản thân
Các kỹ năng quản lý bản thân

Tổng kết

Quản lý bản thân là một kỹ năng cần thiết trong con đường cuộc đời và sự nghiệp. Muốn nắm bắt và thành thạo kỹ năng này, việc thấu hiểu bản thân là bước đầu tiên cần được thực hiện. Thông qua Thần số học, chúng ta có thể định hình được tính cách, hiểu được xu hướng phản ứng của chính mình trong các tình huống, từ đó phân bổ thời gian, đồng thời học hỏi các cách kiểm soát cảm xúc và hành động phù hợp với tính tình của mình. Tra cứu bộ chỉ số để có cái nhìn và định hướng đúng đắn nhất cho bản thân cùng thần số học Thiết Kế Cuộc Đời nhé!

Mục lục

ĐỌC THÊM

Bài viết liên quan